Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

TÂM TÌNH CHA CON .

Xã hội Hoa Kỳ nổi tiếng là tiện lợi và mau chóng cho giới tiêu thụ. Hầu như ở các ngã tư đường lớn đều có các tiệm tạp hóa bán xăng và một ít thực phẩm, rất tiện lợi cho khách hàng. Và chỉ ở nước Mỹ không thôi, đã có khoảng 160,000 tiệm ăn loại “fast-food” (ăn liền như McDonald, Wendy, Burger King), và số người đến ăn hàng ngày là 50 triệu! (http://www.statisticbrain.com/fast-food-statistics/).

Trong các tiệm ăn này đều có dịch vụ “drive-in” để tiện lợi cho những người khách nào không muốn xuống xe vào nhà hàng để mua thức ăn. Ở Louisiana thành phố New Roads, trong năm 1980, còn có một loại nhà quàn “drive-in”. Trong đó, người chết được đặt nằm bên trong một khung cửa kính lớn. Khách thăm viếng không cần phải xuống xe, chỉ cần lái xe đi ngang qua khung cửa đó để chào tạm biệt người quá cố!

Sống trong một xã hội tiện lợi và mau chóng, chắc chắn chúng ta bị ảnh hưởng, nhất là cách mua sắm – mua cái gì thì chúng ta muốn có ngay lập tức nên sẵn sàng chi thêm tiền cho dịch vụ “next day shipping”!
Sự tiện lợi và mau chóng được mọi người ưa thích là vì chúng ta được thỏa mãn ý muốn của mình ngay lập tức. Và từ từ chúng ta thiếu kiên nhẫn khi phải chờ đợi – dù bất cứ điều gì. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà vợ chồng ngày nay dễ xung đột hơn, hôn nhân dễ đổ vỡ hơn vì người ta không thể kiên nhẫn chờ đợi một sự thay đổi tốt đẹp hơn.

Sự tiện lợi và mau chóng cũng ảnh hưởng đến đời sống đức tin của chúng ta. Nhiều người đến với Chúa chỉ khi nào họ có nhu cầu. Họ coi Thiên Chúa như một “tiệm tạp hóa” bán đủ thứ – cần thì ghé vào. Và vì quen với với não trạng “tiền trao, cháo múc” khi mua bán, họ cũng muốn Thiên Chúa đáp trả lời cầu xin của họ một cách tương tự. Khi không được kết quả theo ý muốn của mình, họ nghĩ Thiên Chúa không có hiệu quả và họ tìm đến một “tiệm tạp hóa” khác chứ không muốn chờ đợi.

♦♦♦

Phúc Âm cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn về Thiên Chúa. Sau khi thấy Đức Giêsu cầu nguyện, một môn đệ thắc mắc về cách cầu nguyện và Người đã dậy họ kinh Lậy Cha. Qua kinh này, Chúa Giêsu dậy chúng ta hãy coi Thiên Chúa như một người cha.

Đây là điểm cách mạng trong tôn giáo. Bởi vì cho đến lúc bấy giờ, không tôn giáo nào dám coi Thiên Chúa như một người cha. Và chữ “Abba – Ba, Bố, Daddy” mà Chúa Giêsu dùng để nói về Chúa Cha là một chữ rất bình dân, rất thân mật, khác xa với hình ảnh oai vệ, xa cách và uy nghi của “Thượng Đế”.

Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta được gọi Thiên Chúa là cha, đó là một ân huệ, nhưng cũng có sự nguy hiểm là chúng ta sẽ nhìn Thiên Chúa, Cha chung của chúng ta, qua hình ảnh của người cha trần thế. Có người cha thì nghiêm khắc, có người cha thì nhu nhược. Có người cha chu toàn bổn phận, có người cha sống vô trách nhiệm. Một người cha quá nghiêm khắc thì con cái sợ hãi, không muốn đến gần. Một người cha nhu nhược thì con cái sẽ hỗn xược, không còn kính trọng. Chúng ta sẽ thử tìm hiểu một hình ảnh đúng đắn về Thiên Chúa, và từ đó triển nở mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa theo tình cha con.

Trước hết, qua câu chuyện người hàng xóm đến vay mượn thực phẩm của một người kia vào ban đêm, Đức Giêsu dậy chúng ta phải kiên trì khi cầu xin với Cha trên trời. Tại sao chúng ta cần phải kiên trì khi cầu xin? Sự kiên trì cầu xin có trái ngược với hình ảnh của một Thiên Chúa vô cùng quảng đại, “ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy và ai gõ cửa thì sẽ được mở cho”, hay không?

Trước hết, chúng ta cần phải xác định rằng sự kiên trì cầu xin không có nghĩa là cứ lải nhãi mãi rồi Chúa cũng sẽ nhận lời, bởi vì Chúa Giêsu có nói, “Khi cầu nguyện, anh chị em đừng lải nhải như dân ngoại, họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời”! (Mt 6:7)

Vậy sự kiên trì ở đây có nghĩa gì? Sự kiên trì cầu nguyện có nghĩa chúng ta nhận biết rằng Thiên Chúa là một người cha rất yêu thương chúng ta nhưng Thiên Chúa không nhu nhược. Một người cha nhu nhược thì sẽ cho con cái bất cứ gì chúng xin mà không biết hậu quả sẽ như thế nào – xin cái gì cho cái đó, bất kể điều chúng xin có tốt cho chúng hay không. Một người cha nuông chiều con cái thì chúng sẽ không trưởng thành, không biết trách nhiệm của mình, và không giúp chúng trở nên một người có giá trị.

Trong ý nghĩa đó, sự kiên trì là thời gian để chúng ta suy nghĩ lại điều chúng ta xin. Nhiều khi chúng ta tưởng rằng điều cầu xin thì tốt lành, nhưng rất có thể sự tốt lành đó thì phù phiếm, chóng qua mà sau này nó sẽ tệ hại hơn. Nhiều khi trong hoàn cảnh túng thiếu một chút, chiếc xe cũ một chút, căn nhà nhỏ một chút mà vợ chồng thương yêu nhau hơn, gia đình đầm ấm hơn, thay vì sự giầu sang vật chất mà nghèo nàn tinh thần để rồi đưa đến sự đổ vỡ thê thảm sau này.

Khi phải chờ đợi điều chúng ta cầu xin, đó cũng là lúc cần thiết để suy nghĩ lại cuộc đời mình. Có phải điều chúng ta xin là vì hậu quả của một lối sống vô trách nhiệm đối với bản thân, hay đối với người thân yêu hay không? Nếu hút thuốc, uống rượu, hay ăn nhiều chất mỡ, chất mặn gây bệnh tật cho bản thân thì tại sao chúng ta không chấm dứt? Nếu thời giờ dành cho vợ/chồng, con cái thì quan trọng cho hạnh phúc gia đình, tại sao chúng ta không bớt đi thời gian làm việc, hay bớt đi sinh hoạt riêng tư của mình để có thêm thời giờ cho gia đình?

Và sau cùng, nếu tin rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng, biết được mọi sự khôn ngoan, và yêu thương chúng ta vô cùng thì sự kiên trì cầu nguyện là để chúng ta suy nghĩ xem điều chúng ta xin có phù hợp với ý định của Thiên Chúa hay không. Đây là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của Đức Giêsu, Người luôn luôn tìm kiếm thánh ý của Chúa Cha và thi hành, do đó Đức Giêsu đã đưa lời cầu xin này vào kinh Lậy Cha, “Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”

Sống theo thánh ý Thiên Chúa thì quan trọng đến độ Đức Giêsu phải nói rằng, “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em của tôi, và là [cha] mẹ của tôi" (Mt 12:50).

♦♦♦

Làm thế nào chúng ta biết được thánh ý của Thiên Chúa? Câu trả lời là hãy nhìn vào cuộc đời của Đức Giêsu. Qua lời dậy của Người, chúng ta có thể tóm lược rằng, ý muốn của Thiên Chúa là tất cả loài người chúng ta được xum họp với Thiên Chúa, Cha chung của chúng ta, qua một đời sống chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân. Và để có được một đời sống như thế, noi gương Đức Giêsu, chúng ta cần có sự tương giao mật thiết với Thiên Chúa qua sự cầu nguyện.

Trong ý nghĩa này, cầu nguyện không còn là xin xỏ, là nài nỉ, là có được những gì chúng ta muốn. Cầu nguyện là tâm tình giữa cha và con, là lời xin lỗi khi chúng ta không chu toàn bổn phận, là sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa để thông cảm với những ưu tư của một người Cha, lúc nào cũng mong muốn tất cả các con cái của mình thương yêu nhau, giúp đỡ lẫn nhau và tha thứ cho nhau.

Và như thế, “lương thực hàng ngày” của chúng ta không chỉ có cơm bánh mà còn là sức mạnh tinh thần vô cùng cần thiết để chúng ta trở nên chân tay của Chúa khi giúp đỡ người khác, trở nên miệng lưỡi của Chúa để hòa giải những bất đồng, để bênh vực sự thật, để an ủi những ai đau khổ, để nói lời tha thứ, và để tránh được những sa ngã khi bị cám dỗ. Sức mạnh tinh thần này là Thần Khí của Thiên Chúa và “ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy và ai gõ cửa thì sẽ được mở cho”.

Thiên Chúa là người Cha đầy yêu thương nhưng không nhu nhược, đầy quyền năng nhưng không nghiêm khắc, và rất tôn trọng sự tự do của chúng ta. Chính sự tự do này khiến chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa không lưu tâm hay không can thiệp vào đời sống của chúng ta khi cầu xin. Nhưng những thử thách trong đời sống là để chúng ta vững mạnh, trưởng thành về đức tin, và nhất là để tiếp tay với Cha trên trời trong việc đem lại bình an và niềm vui cho mọi người chung quanh.


Pt Giuse Trần Văn Nhật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét