Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

THÁNG CÁC LINH HỒN

Tác giả: 
 Jos Hoàng Mạnh Hùng
Chút lời giã biệt

Thế là em đã ra đi được gần trăm ngày! Theo phong tục Việt Nam, người ta tin rằng linh hồn người chết còn quyến luyến người thân, "hồn vía còn nặng" chưa thể siêu thoát được, vẫn còn luẩn quẩn xung quanh nhà. Nước mắt đã lăn dài, lời kinh nấc nghẹn khi hồi tưởng lại, mới gần trăm ngày thôi mà đã như ngàn thu sâu thẳm! Một trăm ngày để những nỗi đau mất mát tạm thời lắng xuống, để hình ảnh người thân dần dần mờ nhạt trong tâm tưởng những người còn sống và người chết hòa dần vào cõi thinh không, hư ảo.

Những lời kinh nguyện tắt dần trong lời thầm thĩ kêu xin: “Giêsu-Maria-Giuse xin cứu rỗi linh hồn Maria. Giêsu … Maria… Giêsu … Maria…”. Chiều nghĩa trang trở lại vẻ yên ắng, tịch mịch thường ngày. Chỉ có những làn hương khói lan tỏa nhẹ nhàng trên mộ em và những ngôi mộ “hàng xóm” trong ngày đầu tháng các linh hồn - tháng cuối năm phụng vụ Giáo hội dành để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.

Như một cơn mê, em đã cố không nhắm mắt sợ rằng mình sẽ ngủ một giấc thật dài trong khi ngày mai còn bết bao nhiêu chuyện phải lo toan như đã từng lo toan kể từ khi khôn lớn. Mệt lắm, nhưng em chỉ an tâm nhắm mắt khi còn thấy khuôn mặt những đứa em đã gắn bó với những hỉ, nộ, ái, ố một thời trong cuộc sống và an tâm sẽ được gọi dậy để tiếp tục những công việc trần ai còn dang dở.

Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi.
Lúc con người nằm yên giấc ngủ,
mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai.
Trọn kiếp người nay không còn nước mắt, nụ cười.
Nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa
Chẳng có chia  lìa, chẳng có hợp tan.
(Sự sống thay đổi – Phanxicô - TCCĐ)

Không còn được nghe em kể về hai thiên thần áo trắng giúp em trong cơn đau vật vã khi xét nghiệm cô đơn trên giường bệnh. Không còn nghe tiếng em trong phone mỗi khi có việc cần chia sẻ… Suốt đời tảo tần như một “chị hai” trong nhà, lúc lấy chồng lại lo cho chồng con. Ngày ngày đi về như con thoi giữa gia đình chung và gia đình riêng trong việc mưu sinh cơm áo. Những ngày cuối đời tưởng như đã nắm được chút hạnh phúc khi trong tay đã có tấm hộ chiếu thì căn bệnh quái ác đã cướp đi tất cả. Thôi thì tấm hộ chiếu theo em như một nỗi hạnh phúc mang theo những ước mơ của một kiếp người!

Nhưng quý giá hơn cả là tấm ”hộ chiếu nước Trời” mà em đã được lãnh nhận từ tay vị Linh mục đại diện Chúa Kitô và Hội Thánh trong nghi thức xức dầu và rước Mình Thánh Chúa vào lòng: ‘‘Chúng ta cùng nhau đến đây vì danh Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã cho người đau yếu được lành mạnh. Chính Ngài đã chịu đau khổ vì phần rỗi chúng ta. Ngài đang ở giữa chúng ta lúc chúng ta nhắc lại lời Thánh Giacôbê tông đồ: ‘Ai trong anh em phải yếu liệt, hãy mời các vị thay mặt Hội Thánh đến, họ hãy cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.’ (Gc 5,14-15). Chúng ta hãy phó thác người chị em của chúng ta nơi ơn lành và quyền năng Chúa Giêsu Kitô, xin Chúa làm cho bớt đau đớn, ban cho được lành mạnh và được cứu rỗi.’’

Bóng hoàng hôn đang bảng lảng trên những đôi vai thập giá, nơi đây sao cô tịch, sao thinh lặng quá! Không còn những tất bật ngược xuôi trên những dặm đường đời mưu cầu áo cơm hạnh phúc. Không còn những hạnh phúc ấm êm đầy ắp những tiếng cười, không còn lo toan, không còn hưởng thụ … Chết là bắt đầu cuộc sống mới. Ở đây ai cũng như ai, ai cũng yên nghỉ bình đẳng chờ đợi sự thay đổi cuộc sống. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, thể phách ngày xưa do Chúa tạo dựng đẹp đẽ nhường nào giờ đây đã và đang trong tiến trình phân hủy để trở về kiếp tro bụi.

Khi còn sống, thân xác được dành nhiều ưu tiên: nào là ăn ngon, mặc đẹp, nào là địa vị, tiền tài, danh vọng … Trên dương thế hồn nhờ xác rất nhiều. Các việc lành thân xác làm đều mang lại lợi ich cho linh hồn, việc dữ thân xác làm gây họa cho sự sống trường sinh. Còn hơi thở, xác hồn gắn bó. Hết hơi rồi, hồn xác tạm chia lìa. Đâu còn thân xác để “Lạy Chúa Trời xin mở miệng con, cho con vang tiếng ngợi khen Ngài”, đâu còn thân xác để làm những việc lành thu công, tích đức! Bấy giờ hồn không thể tự giúp mình đền tội được vì “đêm đến, không ai có thể làm việc được” (Ga 9,4) và chỉ trông chờ vào những việc lành phúc đức, những lời kinh nguyện cầu của những người còn sống để giúp hồn đền bồi những khinh tội chưa được tha và các tội khác đã được tha nhưng chưa đền tội đủ vì “nhân vô thập toàn” trong cuộc sống lữ hành.

Vậy là ngày lễ các linh hồn năm nay, không còn thấy bóng dáng em lúp xúp cắm những nén nhang trên mộ Cậu, em Hiển và những người thân quen tại nghĩa trang Giáo xứ. Không còn cùng gia đình bên những phần mộ dâng lên những lời kinh nguyện cầu cho những người thân và những người đã qua đời. Em đã về với chồng nơi nghĩa trang của những người đồng hương cho vẹn tình phu thê, dâu thảo. An táng là chờ ngày sống lại vinh quang. Nghĩa trang nào cũng là nơi an nghỉ, chờ đợi ngày phục sinh. Nơi an nghỉ chỉ là cửa ngõ để bước vào sự sống vĩnh cửu vì chúng ta đã và đang sống trong niềm tin vào Đấng đã phục sinh từ cõi chết là Đức Kitô.

Xin tạm biệt em yêu, tạm biệt những người thân và những người chưa quen chốn này. Xin mọi người hãy nghỉ ngơi thanh thản trong Chúa như Lời Ngài đã phán: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Chúa là cùng đích và là niềm hoan lạc đời đời của con người. Chúng ta đã được Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài và chúng ta phải trở về với Ngài. Ngoài Chúa ra, không có gì tồn tại mãi mãi. Có Chúa mới có hạnh phúc thật. Chính Thiên Chúa đã phán: “Đích thân Ta sẽ đi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi.” (Xh 33, 14). Hẹn gặp nhau trong những lời kinh nguyện hiệp thông và ngày cánh chung sum họp chắc chắn sẽ đầy ắp những nụ cười thay cho những giọt nước mắt ngày chia xa  tiễn biệt.

Jos. Hoàng Mạnh Hùng
Tháng Các Linh Hồn 2014

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

QUYỀN LỰC DO THÁI

Quyền lực Do Thái

Qua những trang trình bày tổng quát về lịch sử dân Do Thái ở trên, từ khởi đầu cho tới ngày hôm nay, có lẽ cũng đủ để cho phép chúng ta trước hết có được một ý niệm và một nhận thức nhất định nào đó về dân tộc đặc biệt này, về một dân tộc mà người ta thường gọi là„Dân riêng của Thiên Chúa“ hay „Dân tuyển chọn của Thiên Chúa.“
Vâng, qua cuốn Kinh Thánh Cựu Ước, cuốn „Sách Thánh“ và đồng thời là cuốn „Sách Lịch Sử“ duy nhất của dân tộc Do Thái, người ta nhận chân được rõ ràng nguồn gốc dân tộc Do Thái không phải phát xuất từ những câu chuyện thần thoại giả tưởng, nhưng được hình thành từ ông Áp-ra-ham, một vị Tổ Phụ khả kính, đầy lòng kính sợ Thiên Chúa và tuyệt đối tin tưởng phó thác vào Người, đã được chính Thiên Chúa Tạo Hóa tuyển chọn (x. St 12,1-2). Và trong suốt dòng lịch sử của dân Do Thái, Thiên Chúa luôn can thiệp một cách trực tiếp: Người cho phép họ được tiếp cận Người như chưa bao giờ có dân nào được như vậy, được nghe các huấn lệnh của Người, được chính Người dẫn dắt và được chứng kiến nhãn tiền những phép lạ cả thể Người làm cho họ. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không hề làm thay cho họ những gì họ phải thực hiện và không hề che chắn cho họ trước những thách đố đầy khó khăn nằm trong tầm tay tự vệ của họ. Đó cũng là cách thức Thiên Chúa luôn đối xử với con người nói chung.

Nhưng một thực tại hiển nhiên và quan trọng khác mà chúng ta cũng có thể khám phá ra được trong quá trình lập nước, xây dựng nước và bảo vệ nước của dân Do Thái, từ khởi thủy cho đến ngày hôm nay, một thực tại mà chúng tôi xin được gọi là „Quyền lực Do Thái.“

Những dòng trình bày về lịch sử dân Do Thái ở trên đã giúp chúng ta biết rõ được thực trạng đau thương của dân tộc này, một dân tộc bé nhỏ nhất thế giới, luôn phải sống trong cảnh bị kỳ thị, bị khinh miệt, bị đàn áp, bị bóc lột, bị hành hạ và bị sát hại dã man, v.v… từ khi họ còn phải sống trong cảnh nô lệ ở Ai-cập cho tới khi được định cư và lập quốc tại xứ Ca-na-an, miền Đất Hứa của họ, nhưng rồi lại triền miên bị các tộc người khác đến đánh chiếm, bị xâm lăng, Đền Thờ Giê-ru-sa-lem bị san bằng, nhiều lần bị trục xuất ra khỏi chính quê hương của mình, trong số đó có ít nhất ba cuộc lưu đày sang Babylon là đau thương và kéo dài nhất, v.v… cho đến cuộc hủy diệt sau cùng do quân Roma gây ra vào năm 70 sau Công Nguyên khi họ đánh thắng cuộc nổi dậy giải phóng quê hương của người Do Thái. 

Kết cục, Đền Thánh Giê-ru-sa-lem, các lâu đài dinh thự cũng như nhà cửa trong thành Giê-ru-sa-lem lại hoàn toàn bị tiêu hủy, đến nỗi „không còn tảng đá nào trên tảng đá nào nữa“ mãi cho tới ngày nay, đúng như lời tiên báo của Đức Giêsu. (x. Mt 24,1-2). Còn dân chúng đều bị đưa đi lưu đày khắp tứ phương thiên hạ. Và kể từ năm 1948, khi tân quốc gia Ít-ra-en được tái lập và mọi người Do Thái khắp nơi trên thế giới lần lượt được hồi hương, để rồi biến một tân quốc gia Ít-ra-en nhỏ bé thủa ban đầu với một dân số quá khiêm tốn vào khoảng trên dưới 800.000 người trở thành một quốc gia Ít-ra-en hùng cường, văn minh tiến bộ cao độ và bất khả lấn chiếm bởi bất cứ thế lực ngoại xâm nào như ngày nay với một dân số trên 8.000.000 người.
Nếu người ta có lý khi đưa ra nhận định rằng „trong cái rủi luôn ấn chứa cái may“, thì điều đó hoàn toàn đúng khi đem áp dụng vào hoàn cảnh và định mệnh người Do Thái. Suốt dòng lịch sử của mình, Ít-ra-en đã biết bao lần bị ngoại bang xâm chiếm và dày xéo, dân chúng bị lưu đày, nhất là trong cuộc lưu đày cuối cùng vào đầu Công Nguyên kéo dài gần hai ngàn năm, đất nước hầu như bị xóa sổ trên bản đồ thế giới. Nhưng chính trong nỗi bất hạnh tột cùng ấy, chính trong cuộc lưu đày khắp tứ phương thiên hạ không hẹn ngày về ấy, đặc biệt ở Trung Đông, ở các nước Âu Mỹ này lại là một cái may mắn to lớn, là một cái phúc lợi vĩ đại cho người Do Thái nói chung và cho nhà nước Ít-ra-en nói riêng.

Vì trong một cuộc lưu đày kéo dài cả gần hai ngàn năm như thế, người Do Thái một đàng vẫn luôn giữ nguyên được bản sắc và căn tính „Do-thái“ của mình là trung thành tuân giữ Giao Ước giữa Thiên Chúa với Tổ phụ Áp-ra-ham, với Mô-sê và với toàn thể dân tộc họ, tức thực thi các giới răn và huấn lệnh của Thiên Chúa như đã được ghi rõ trong từng trang của Sách Đệ Nhị Luật: KINH THÁNH CỰU ƯỚC.

„Đây là mệnh lệnh, là những thánh chỉ và quyết định mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã truyền phải dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành trong đất anh em sắp sang chiếm hữu. Như vậy anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, và anh em sẽ được sống lâu. Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, đã phán với anh em. Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh em, và lên cửa thành của anh em.“ ( Đnl 6,1-9).
Chứ họ không hề để mình đồng hóa với người dân bản xứ trong sự thờ phượng các ngẫu tượng của các dân này, và luôn vọng về cố hương – trước ngày tái lập quốc vào năm 1948, những người Do Thái trên khắp thế giới khi gặp nhau, trước hết họ luôn chúc nhau „sang năm gặp lại tại Giê-ru-sa-lem“ – và một đàng khác họ lại biết sống hòa đồng hoàn toàn vào các sinh hoạt và trở thành công dân thực thụ của những địa phương, nơi họ bị lưu đày. Đây quả thực cả là một phương thức sống vô cùng khôn ngoan của người Do Thái đã giúp cho họ dành được phần thắng lợi về cho mình và cho dân tộc mình.

Sự thành công này của người Do Thái một phần lớn là do họ luôn trung thành ghi lòng tạc dạ và cử hành biến cố Vượt Qua của dân tộc họ, tức biến cố Thiên Chúa đã ra tay giải phóng họ ra khỏi ách nộ lệ lầm than tủi nhục tại Ai-cập qua trung gian người tôi trung của Người là Tổ phụ Mô-sê.

Vâng, nhờ có bản chất thông minh và khôn ngoan thiên phú vượt trội của mình, người Do Thái ở Âu châu cũng như ở trên khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ đã nắm vững ưu thế và làm chủ được những lãnh vực quan trọng mang tính cách quyết định của nước sở tại, như nền kinh tế nói chung và lãnh vực ngân hàng tiền tệ nói riêng, các ngành khoa học chủ chốt, các phương tiện truyền thông đại chúng, v.v… Bởi vậy, nếu nước Mỹ là một nước tư bản giàu có hàng đầu thế giới, thì nền tư bản Mỹ phần lớn nằm trong tay người Mỹ gốc Do Thái và nếu thành phố New Yok là thành phố kinh tế đầu não của Mỹ, thì thành phố này lại là thành phố của những người Mỹ gốc Do Thái. Do đó, nếu người ta không muốn nói rằng nền kinh tế Mỹ nằm trong tay người Mỹ gốc Do Thái, thì người ta lại phải chân thành nhìn nhận rằng những người Mỹ gốc Do Thái đang nắm phần chủ động trong việc chi phối nền kinh tế nước này. Nhưng những ai chi phối được nền kinh tế của một đất nước, thì thường cũng chi phối được các lãnh vực khác của nước ấy nữa, như chính trị, văn hóa và xã hội. Đây là quy luật bất thành văn của cuộc sống.
Những nhận định này có thể được coi là một giải mã hợp lý cho „bí mật“ tại sao quốc gia nhỏ bé Ít-ra-en có thể tồn tại, phát triển và nhất là có thể chiến thắng được các kẻ thủ đông số và hùng cường hơn họ gấp trăm gấp ngàn lần. Dĩ nhiên, ý chí tự tồn và bất khuất của người Do Thái là những nhân tố quan trọng mang tính cách quyết định trong sự tồn vong của dân tộc họ. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng người Do Thái chiến đấu bằng các vũ khí tối tân nhất của Mỹ và những viện trợ kinh tế khổng lồ của Mỹ là nền tảng vững chãi cho sự phát triển cần thiết của Ít-ra-en.

Ngoài ra, một yếu tố hết sức quan trọng khác cũng đã góp phần chủ yếu vào việc sinh tồn và bảo vệ an ninh toàn vẹn của Ít-ra-en mà chúng ta cũng không nên bỏ qua, đó là các hoạt động của cơ quan tình báo Mossad của họ. Tuy Ít-ra-en là một quốc gia nhỏ bé nhất thế giới, nhưng cơ quan tình báo của họ lại có một mạng lưới hoạt động rộng rãi và bao quát nhất thế giới, hữu hiệu và chính xác nhất thế giới, đến nỗi người ta có thể quả quyết không sai rằng cơ quan tình báo Mossad của Ít-ra-en còn vượt mặt cả cơ quan tình báo CIA của Mỹ và cơ quan tình báo KGB của Nga Sô. Một lợi điểm vô cùng quan trọng của cơ quan tình báo Mossad mà các cơ quan tình báo của các nước khác, trong đó kể cả CIA của Mỹ và KGB của Nga Sô, không thể có được là các điệp viên hay các cộng sự viên của cơ quan tình báo Ít-ra-en đã được cấy trồng từ hàng ngàn năm nay qua các biến cố lưu đày ở rải rác khắp nơi trên thế giới. Những người này là công dân thực thụ của các nước sở tại, là thành viên và nói tiếng nói của địa phương ấy, nhưng họ lại là tai mắt cực kỳ bén nhạy của cố hương Ít-ra-en của họ, một cố hương tuy ngàn trùng xa cách về mặt địa lý nhưng lại gần gũi trong chính trái tim dạt dào dòng máu „Do-thái“ của họ, trong chính dòng huyết quản tình tự dân tộc của họ. Vâng, hàng ngàn hàng vạn hay hàng triệu cộng sự viên này của Mossad hành động không hẳn vì tiền bạc hay lợi lộc vật chất, nhưng trước hết và trên hết là vì tình yêu dân tộc, vì lòng ái quốc sâu xa của họ đối với cố hương Ít-ra-en. Và sợi dây nối kết họ lại với nhau và nối kết họ lại với cố hương Ít-ra-en một cách bất khả phân ly như thế, dù họ ở bất cứ phương trời nào trên trái đất này, là cuốn Kinh Thánh Cựu Ước.

Tất cả những điều vừa nói giúp người ta nhận ra được một thực tại cụ thể quá hiển nhiên tại các nước Âu Mỹ ngày nay, đầu não của cả thế giới về nhiều lãnh vực, mà chúng ta khó lòng phủ nhận, đó là người Do Thái thực sự đang nắm giữ một ảnh hưởng quan trọng mang tính cách quyết định, đặc biệt trong lãnh vực chính trị, kinh tế và ngân hàng, cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng. Ở điểm này chúng ta có thể đưa ra một ví dụ cụ thể: Ở Hoa Kỳ hay ở bất cứ quốc gia Tây Âu nào, từ Tổng Thống, Thủ Tướng, Bộ trưởng cho tới bất cứ một nhân vật quan trọng nào trong xã hội có những phát ngôn hay hành động gây nguy hiểm, bất lợi hay tổn thất cho người Do Thái nói chung và nhà nước Ít-ra-en nói riêng, thì tất cả mọi phương tiện truyền thông đại chúng ở các nước trên thế giới đều đồng loạt lên tiếng phân tách, bình luận và phản đối liên tục một cách gay gắt, mãi cho tới khi nhân vật liên hệ ấy phải từ chức và rút lui về vườn.

Vâng, ngày nay, trên thế giới nói chung và tại các nước Âu Mỹ nói riêng, „Quyền lực Do Thái“ không chỉ là một thực tại minh nhiên mà còn là một quyền lực vô biên!

Nói tóm lại, dù muốn hay không người ta cũng phải chân thành nhìn nhận rằng dân tộc Do Thái quả thực là một dân tộc ưu tú nhất thế giới, oai hùng nhất thế giới, bất khuất nhất thế giới và, vì thế, nổi danh nhất thế giới. Đây chính là điểm khiến người ta tự hỏi: Phải chăng lời hứa của Thiên Chúa với ông Áp-ra-ham, Tổ phụ dân Do Thái từ ngàn năm trước là „làm cho ông thành một dân tộc lớn, sẽ chúc phúc cho ông và sẽ làm tên tuổi ông được lẫy lừng“ (x. St 12,2) nay đã được hiện thực hóa?

(Trích trong tác phẩm: Lm Nguyễn Hữu Thy: “Tôi đi hành hương Thánh Địa Ít-ra-en“, Trier 2014)

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

MAC LAY CHUA KITO

Mặc lấy Chúa Ki-tô
(Suy niệm Tin Mừng Matthêu (22,1-14) trích đọc vào Chúa Nhật 28 thường niên.)

Trong một trăm người đang sống trên lục địa Á châu, chỉ có hai người được diễm phúc gia nhập Hội Thánh Công Giáo. Trong số một trăm người đang sống trên giải đất Việt Nam, chỉ có bảy người có cơ may gia nhập Hội Thánh Công Giáo. Chúng ta cũng được may mắn thuộc về thiểu số nầy. Đây quả là một hồng phúc lớn lao.

Qua dụ ngôn “Tiệc cưới” được trích đọc hôm nay, Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta, với tư cách là những vị khách được mời dự tiệc, phải bận y phục lễ cưới.

Khi mặc đồ tang chế mà đi dự tiệc cưới, người ta nghĩ là bạn bị khùng nặng và xua đuổi bạn tức khắc. Khi bước vào bệ kiến Đức Vua mà còn mặc nguyên bộ đồ ngủ thì không khỏi bị kết tội khi quân. Khi bước vào đời quân ngũ mà ăn mặc rách rưới như kẻ bần cùng, thiếu tác phong quân nhân, thì bạn sẽ bị tống cổ ra ngay vì làm ô danh quân đội.

Hội Thánh của Chúa luôn mở rộng cửa để tiếp nhận tất cả mọi người từ khắp muôn phương bất kể sang hèn tốt xấu. Nhưng một khi đã gia nhập đại gia đình nầy, các thành viên phải cởi bỏ tấm áo xấu xa để khoác lên người trang phục xứng đáng, nghĩa là phải có những phẩm chất phù hợp với Tin Mừng.

Một con sâu tuy nhỏ nhưng cũng đủ để làm rầu nồi canh. Vài ba giọt mực tuy không nhiều nhưng cũng đủ để làm hư tấm vải trắng. Chỉ một ít tín hữu sống trái nghịch với Tin Mừng và giáo huấn Hội Thánh, cũng đủ để làm cho khuôn mặt của Giáo Hội trở nên khó thương trước mặt người khác.

Vì thế, một khi đã gia nhập Hội Thánh mà cách ăn thói ở không phù hợp thì chúng ta sẽ bị Thiên Chúa lên án nặng nề. Đoạn Tin Mừng sau đây nhắc nhở chúng ta điều đó.

"Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng."

Mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô

Trong cuốn “Tự thú”, Augustino thuật lại kinh nghiệm lý thú sau đây: Hôm đó, Anh bị giằng co xâu xé mãnh liệt trong nội tâm giữa một bên là cải thiện đời sống để trở về với Chúa ngay và một bên là đừng vội trở về với Chúa để được hưởng thêm lạc thú trần gian. Sự xung đột nội tâm nầy gay gắt đến độ khiến Augustino gào khóc cách cay đắng và nài xin Chúa ban ơn giải thoát.

Ngay lúc bấy giờ, Augustino nghe có tiếng hát trẻ con từ nhà bên kia vọng lại: “Hãy cầm lấy mà đọc, hãy cầm lấy mà đọc…”

Nhận ra đó chính là tiếng Chúa nói với mình, Augustino vào phòng, chộp lấy Thánh Thư của Thánh Phao-lô và đọc ngay đoạn đang mở ra trước mắt: "Anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đảng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt." (Rm 13, 13-14)

Augustino bừng tỉnh trước Lời Chúa. Anh cảm thấy đây quả là những lời Chúa nói riêng với mình. Thế là từ đây, Anh từ bỏ quãng đời tội lỗi, từ bỏ những đam mê xác thịt, rũ bỏ bộ áo bẩn thỉu hôi hám để mặc áo mới, mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô. Anh được lãnh bí tích Thánh Tẩy vào năm 33 tuổi, hiến mình cho Chúa để trở thành một linh mục thánh thiện, về sau được cất nhắc lên giám mục và trở thành vị thánh chói ngời, đồng thời cũng là tiến sĩ Hội Thánh.

Trong ngày chúng ta lãnh bí tích Thánh Tẩy, ngày chính thức gia nhập Hội Thánh, linh mục chủ sự thay mặt Hội Thánh trao cho chúng ta tấm áo trắng với lời kêu gọi: "Con đã trở nên tạo vật mới và đãmặc lấy Chúa Ki-tô. Vậy con hãy nhận chiếc áo trắng nầy, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, để con được sống muôn đời".

Lạy Chúa Giê-su,

Xin giúp chúng con đừng luyến tiếc áo cũ đã hoen ố vì vô vàn thói xấu tật hư. Xin ban thêm sức mạnh để chúng con dứt khoát cởi bỏ nó để quyết tâm mặc lấy áo mới, mặc lấy Đức Ki-tô, mang những tâm tình cao đẹp như Chúa, cư xử ôn hoà nhân ái như Chúa, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa… Nhờ đó, chúng con sẽ được cùng với Chúa dự tiệc vui muôn đời.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Mt 22,1-14

Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới !" Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. 7Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng.Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng.Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới." 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

11 "Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng ! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

TIN THI TRAO.





TIN thì TRAO

 Một diễn viên xiếc rất tài ba, anh có thể đi từ ngọn núi này sang ngọn núi kia bằng một sợi dây cáp mà không cần đến vật dụng giữ thăng bằng, mà ở giữa là một vực thẳm.

Khán giả rất đông, thưởng thức, vỗ tay và chúc mừng tuyệt tài của anh.


Không những thế, lần đầu đi sang núi bên kia thì lúc trở về, anh còn đặt một bao ximăng lên chiếc xe cút kít về một cách bình an nữa. Mọi người chăm chú nhìn không chớp mắt từng cử động và bước đi của anh, và thở dài nhẹ nhõm khi anh được bình an.

Anh hỏi tâm trạng mọi người thế nào. Ai cũng trầm trồ ca tụng anh là một thiên tài, một kỳ tích của thế giới, người có một không hai ở trên mặt đất này.


Anh hỏi tiếp: thế mọi người có tin là tôi có thể đi từ ngọn núi này sang ngọn núi kia mà còn chở thêm một người ngồi trên chiếc xe cút kít không?


Mọi người không do dự mà cho câu hỏi này. Dĩ nhiên là được.

Thế ai là người xung phong lên xe để tôi biểu diễn? Anh hỏi tiếp.


Và, mọi người đều tìm lý để từ chối, rồ ra về…


Có một em bé giơ tay chấp nhận. Còn mọi  người thì ngạc nhiên, và hỏi tại sao lại liều vậy.

Thưa các bác, các chú, có gì đâu mà liều. Vì đó là ba của cháu. Cháu tin ba cháu sẽ không bao giờ để cháu gặp phải nguy hiểm. (sưu tầm)


Tin thì trao lời


Lời đây là lời nói. Người ta có thể nói, nói tùm tum, nói nhiều điều và hứa nhiều thứ. Nhưng những lời chân tình, thật lòng thì chỉ khi tin nhau người ta mới có thể nói. Khi tin, họ có thể nói hết những khát vọng, tỏ bày những thầm kín, tâm sự điều riêng tư. Lời nói chất chứa niềm vui và nỗi buồn, vừa muốn giải tỏa và chia sẻ, vừa muốn được người khác lắng nghe và tin nhận. Nhờ thế, đôi bên có thể hiểu, cảm thông và yêu nhau hơn.


Lời là ngôn ngữ Chúa ban cho để con người có thể đến với nhau chẳng những bên ngoài, mà còn có thể đi vào lòng trí và tâm hồn nhau.


Lời đi xuyên qua ranh giới của giới tính hay tuổi tác, văn hóa hay kinh tế, mở ra con đường thênh thang của tình yêu, hạnh phúc và bình an.


Lời giúp người ta đi vào trái tim của nhau, tựa nép bên nhau và sẵn sàng cùng nhau dâng hiến cuộc đời, đi vào xây dựng tương lai, xây dựng tổ ấm.


Lời giúp thêm an ủi, được thêm khích lệ, hỗ trợ can đảm, tăng thêm hy vọng để trườn mình qua khó khăn thử thách gian nan, đụng tới tin yêu và hy vọng, chạm tới thành công và thành đạt.


Lời động viên rất nhiều cho nhau. Lời như bóng mây che mát giữa trưa hè, gió nhẹ khi nóng bức, mưa xuống khi khô cằn. Lời giúp ta vơi đi ưu phiền, nhẹ vơi gánh nặng, quên đi nhọc nhằn, gắng sức hy sinh, tiếp tục vượt khó, tăng thêm nhẫn nại, dày thêm can trường.


Trong niềm tin người ta mới trao cho nhau những lời tốt nhất mang tính xây dựng, bảo vệ và thăng tiến cuộc sống cho nhau và vì nhau.


Nếu thiếu tin tưởng, người ta khó nói chuyện với nhau, khó đến với nhau, và sự dè dặt, nghi ngờ, đề phòng trở thành bức tường vững chắc để chặn họ lại, và họ có thể rất gần về địa lý nhưng lại xa về tâm lý, gần mặt nhưng cách lòng.

Tin thì trao thời


Cũng vậy, nếu thiếu niềm tin, con người khó đến với nhau, càng khó hơn để trao gởi thời gian trai trẻ, thời kỳ xuân xanh cho nhau quản lý, bảo vệ.


Thời đây là thời gian. Thời gian là vàng bạc. Quý vậy mà người ta vẫn sàng sàng dành cho nhau mọi lúc mọi nơi để chia sẻ, và phục vụ nhau.


Khi yêu, người ta sẵn sàng trao gởi tất cả thời gian cho nhau và vì nhau. Với họ, bao nhiêu thời gian cũng vẫn ít, vẫn thiếu.


Nhờ tình yêu và can đảm, con người dám dành cho nhau hết thời gian sống của đời mình. Một quyết định mạnh mẽ và không kém phần liều lĩnh. Nhưng với họ, đó lại không phải khở dại hay ngu muội, nhưng là hạnh phúc. Hạnh phúc vì được hy sinh trọn thời gian cho nhau.


Không gì quý hơn tuổi đời, bởi nó mở ra đường tương lai tươi sáng, hứa hẹn bao thành điều tốt lành. Những tham vọng và lòng khao khát mạnh mẽ của trái tim khiến họ còn muốn đạt tới những kỳ diệu lớn lao hơn trong cuộc sống hơn. Vì thế, việc trao thời, việc hợp tác với người mình tin tưởng sẽ là lý do lớn để trao cho nhau thời gian và tương lai của mình cho người mình yêu.

Tin thì trao đời


Đời đây là cuộc đời. Nếu không có tình yêu, chắc chắn không ai dám làm thế. Vì có quá nhiều bất hạnh và đau khổ trong các gia đình, nơi các bạn trẻ. Nhìn từ bên ngoài, dường như họ chẳng biết gì là hạnh phúc, an vui, mà chỉ toàn là bất trắc, đáng sợ.


Rồi thực tế, thì lại vẫn khác, họ vẫn tìm đến nhau, chia sẻ cho nhau niềm vui cùng nỗi buồn. Rồi họ cần có nhau, đến độ không có không được. Chính tình cảm hun đúc đời sống của họ. Chính tình yêu cho họ nghị lực và can đảm. Chính tình yêu nối kết họ lại đến độ, không có bất cứ sức mạnh nào có thể tách rời họ ra được.


Nếu được yêu, ta sẽ thấy mình giá trị hẳn lên. Ai đang yêu đều nhìn thấy cuộc sống dễ thương, đáng yêu, muốn sống và ham sống. Ai đang yêu đều thấy mình đẹp, và thấy cần hải làm đẹp. Làm đẹp không phải vì mình, nhưng vì người đang yêu mình. Và đôi bên làm đẹp cho nhau, giúp nhau nhận ra giá trị thực của cuộc sống và sự cần thiết phải có nhau. Chính vì thế, việc trao gởi cuộc đời cho  nhau, với họ là chuyện hãnh diện, là niềm kiêu hãnh, chứ không phải là khờ dại. Họ tự hào vì được làm như thế.


Tình yêu giúp cho họ có thêm niềm tin. Nhờ niềm tin, họ càng yêu thương nhau hơn. Nhờ thương nhau, họ trở nên một. Một xương một thịt, một hướng đi, một lý tưởng xây dựng tương lai, đạt tới một gia đình hạnh phúc và giáo dục con cái nên con ngoan hiếu thảo.


Tình yêu giúp họ sẵn sàng dâng hiến đời mình cho nhau. Để đời anh thuộc về em, và đời em thuộc về anh. Chẳng gì quý hơn sự sống và cuộc đời của mình. Nhưng vì tình yêu, họ sẵn sàng trao hiến tất cả để làm vui lòng, đẹp lòng người yêu. Với họ được hiến trao đời mình là quyết định vĩ đại, là món quà vĩ đại, vô giá được dành riêng cho người mình yêu.

Tin thì trao lòng


Lòng đây là tấm lòng. Ngôn ngữ không lời thể hiện mãnh mẽ nhất nơi tấm lòng. Ngôn ngữ dù có văn vẻ, thơ mộng, khéo léo đến đâu cũng không thể diễn đạt hết tất cả tư tưởng và tâm hồn. Chính vì thế, người ta phải sử dụng ngôn ngữ của trái tim. Họ nhận ra nhau bằng ánh mắt, qua hơi thở, và nhất là bằng tấm lòng đối xử tử tế với nhau.


Có thể dáng vẻ bề ngoài, diện mạo, ăn mặc; có thể kiến thức kém cỏi, ứng xử không khéo; có thể vật chất khó khăn, gây khó khăn hơn cho họ, nhưng với tấm lòng, chắc chắn họ nhận ra nét đẹp thật của nhau qua hy sinh, phục vụ, nhẫn nại, bao dung, từ tốn, từ tâm, nhân hậu. họ sẽ sử dụng tấm lòng để nhận ra, để đón nhận tấm lòng của nhau.


Chính vì nhận ra món quà quý giá là tấm lòng, nên tất cả những thiếu sót, yếu kém, vụng về của nhau trở nên nhỏ bé không đáng bận tâm. Tấm lòng mới đáng trân trọng, đáng ngợi ca. Tấm lòng mới là quá lớn mà họ nhận được nhưng không trong cuộc sống.


Thiên Chúa quả tuyệt vời khi cho con người quá nhiều con đường, quá nhiều cách thế để đến với nhau, hiểu nhau và dâng hiến cho nhau.


Dù có sống trong bậc gia đình hay không, thì tấm lòng luôn là điều quý giá. Người sống bằng tấm lòng luôn được người khác quý mến, tin tưởng và thương yêu.


• Trong niềm tin, họ hiện hữu bên nhau và bên Chúa.

• Trong niềm tin, con người đủ sức mạnh để chống lại ma quỷ và mọi chướng ngại trên đường xây dựng hạnh phúc.

• Trong niềm tin, con người có thể loại trừ mọi sợ hãi, lắng lo đe dọa đến cuộc đời của họ.

Trong niềm tin, sự chết cũng phải cúi đầu tùng phục và nhường chỗ cho tình yêu và tấm lòng.

• Trong niềm tin, con người đạt được lý tưởng của mình là sống hạnh phúc, sống mãi trong tình yêu bên nhau và bên Chúa.
THANH THANH
Nguồn : tinvui.info







Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

KHONG QUYEN LUC NAO...

Không Quyền Lực Nào

“Đức Tin không thể nào bị bóp nghẹt bởi bất cứ quyền lực nào!”. Đó là lời tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ George Bush trong buổi chào từ giã Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (19/9/1987) nhân dịp Ngài viếng thăm Hoa Kỳ.
Trong bài diễn văn từ giã Đức Thánh Cha, phó tổng thống Hoa Kỳ nói rằng Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục làm việc tại Liên Xô sau hơn 60 năm tuyên truyền cho chủ thuyết vô thần.

Ông George Bush kể lại cho Đức Thánh Cha như sau: “Trong nghi lễ an táng tổng bí thư Breznev tại Mascơva, một lễ nghi với nhiều lính tráng và hoa tím, nhưng không có Đức Tin và Lời Chúa, tôi theo dõi bà quả phụ đang tiến đến quan tài để nói lời từ biệt... 

Kìa, có Chúa làm chứng cho tôi, giữa sự lạnh cóng của một chế độ độc tài, bà Breznev chăm chú nhìn người chồng, rồi cúi nhẹ xuống và làm dấu thánh giá trên ngực của người chết...”

Ông Bush cũng kể lại rằng ông đã gặp Mao Trạch Đông trước khi ông này qua đời. Chủ tịch họ Mao đã tâm sự với ông như sau:

“Tôi sắp sửa về Trời, tôi đã nhận được lời mời gọi của Chúa”.

Đưa ra hai sự kiện trên đây, ông Bush kết luận: Không có quyền lực nào, không có luật pháp nào có thể quét sạch những gì đã ăn rễ sâu trong lòng người...

Lời phát biểu trên đây của ông George Bush có lẽ phải làm cho chúng ta phấn khởi. Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong cuộc sống của chúng ta. 

Chính những nơi mà chúng ta tưởng Ngài đã bị gạt bỏ hoàn toàn, chính những lúc mà chúng ta tưởng như Ngài không có mặt, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động. Bởi vì Thiên Chúa không thể là Thiên Chúa nếuNgài không yêu thương con người.

Chúng ta tiếp nhận sự sống từ chính Chúa, như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời. Thiếu ánh sáng mặt trời thì không thể có sự sống trên trái đất. Cũng thế, không có Chúa thì không thể có sự sống... 

Thiên Chúa thông ban sự sống cho chúng ta, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương tất cả mọi người, ngay cả những kẻ chối bỏ hoặc thù ghét Ngài.

(Nguồn: R. Veritas)

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

: LIEN LAC HIEP SINH - HIEP CA : THU MOI HOP VE LE GIO BO L.TIEN




HIỆP SINH – HIỆP CA
THƯ MỜI HỌP
Thân gửi : Quý Cha,
Quý Anh Chị Em HIỆP SINH – HIỆP CA,
Ngày 02 tháng 10 năm 2014, lễ giỗ 20 năm Bố Phaolô PHẠM LONG TIÊN op yêu quý của chúng ta.
Theo truyền thống tốt đẹp của HIỆP SINH - HIỆP CA, hằng năm vào dịp Giỗ Bố, chúng ta vẫn họp mặt tại Nhà Thờ Mai Khôi và Trung tâm Phục Sinh, cùng nhau tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho Bố, các Anh Chị Em HIỆP SINH - HIỆP CA và thân nhân đã qua đời, sau Thánh Lễ là Phần tưởng niệm Bố và tiệc giỗ.
Trong những ngày gần đây qua facebook và email, chúng ta được biết HIỆP SINH - HIỆP CA Hải ngoại đang nô nức chuẩn bị tổ chức chương trình HỘI NGỘ và Lễ giỗ Bố.
Năm nay, lễ giỗ 20 năm của Bố, chúng ta cần tổ chức quy mô hơn, qui tụ anh em về đông hơn (mời Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ, Hiệp Sinh, Hiệp Ca và Thân nhân – nên chăng chúng ta mời thêm Giáo xứ và Nhà Dòng Mai Khôi, Sinh viên Công Giáo và Phục Hưng, Thân nhân Bố Long Tiên và Giới Trẻ Đồng Hương Trung Lao cùng hiệp dâng Thánh Lễ tại Nhà thờ Mai Khôi ?), dự kiến được tổ chức vào chiều Chúa nhật 05.10.2014 tại Giáo xứ Mai Khôi.
Thân mời Quý Cha, Quý Anh Chị Đại Diện các Phân Đoàn, các Anh Chị Em Thiện Chí tham dự cuộc họp vào lúc 18h30 ngày Thứ bảy 23 tháng 8 năm 2014 tại Phòng họp & tập hát Hiệp Ca (Phòng Bố Long Tiên ngày xưa) vào cổng 43 Nguyễn Thông (Sau Thánh lễ 17h30 chiều Thứ Bảy tại Nhà thờ Mai Khôi).
Mời Anh Chị Em dự họp, đóng góp ý kiến, chuyển lời mời họp và tin về việc tổ chức LỄ GIỖ 20 năm của Bố tới quý Anh Chị Em HIỆP SINH - HIỆP CA và thân hữu.
Thành thật cám ơn sự nhiệt thành cộng tác của quí Anh Chị Em. Và xin Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu Hiệp Thông xuống muôn ơn lành trên chúng ta.
Liên hệ và đóng góp ý kiến về :
- Vũ Ngọc Chuẩn : ĐT : 0838948812 – 0908597246, vungocchuan@gmail.com
-  Phạm Xuân Kết : ĐT : 0908079997,  ketpham@fdivn.com;


: ĐIỂM TỰA DUY NHẤT TRÊN CÕI ĐỜI



Vào ngày 22:35 Chủ Nhật, 17 tháng 8 2014, thanhtoainguyen . <thanhtoainguyen@gmail.com> đã viết:



ĐIỂM TỰA DUY NHẤT TRÊN CÕI ĐỜI


Vào canh tư đêm ấy (khoảng ba giờ sáng), đang khi các môn đệ vật vã chèo chống con thuyền ngược gió giữa sóng cả trùng khơi thì bỗng phát hiện một bóng ma chập chờn trên sóng nước. Mọi người hốt hoảng la lên. Nào ngờ đó lại là Chúa Giê-su. Ngài trấn an họ: "Chính Thầy đây! Đừng sợ!". Biết vậy, Phê-rô hăm hở đòi đi trên nước như Thầy: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài thì xin truyền cho con đi trên mặt nước và đến cùng Ngài".

Được Chúa chấp thuận, Phê-rô bước ra khỏi thuyền, bước chân chao đảo trên sóng nước như người say. Nhưng khi giáp mặt với gió to sóng dữ giữa đêm đen, Phê-rô quá đỗi kinh hoàng nên bị chìm xuống. Ông hoảng hốt kêu lên: "Lạy Thầy, xin mau cứu con!"

Lập tức, Chúa Giê-su nắm lấy tay Phê-rô, kéo ông lên rồi đưa ông vào thuyền bình an vô sự.     

♦♦♦       

Sống trên đời nầy, chúng ta cũng như Phê-rô đi trên mặt biển. Mọi sự chung quanh đều chao đảo, bấp bênh. Mạng người quá đỗi mong manh. Kiếp người như ngọn đèn lung linh trước gió, như giấc chiêm bao!
Cuộc đời đầy dẫy tai ương

Những thiên tai xảy ra dồn dập khắp nơi trên thế giới: bão tố, lũ lụt, động đất, sóng thần, lốc xoáy... đã gây ra tổn thất khủng khiếp và cướp đi rất nhiều nhân mạng.

Bên cạnh đó, những tai hoạ do con người gây ra cũng khủng khiếp và tàn bạo không kém: chiến tranh, bạo lực, khủng bố… lan tràn.

Trước những tai ương hoạn nạn đó, con người biết tìm đâu nơi nương tựa vững bền? Biết bám víu vào ai để bảo toàn mạng sống? Biết dựa vào sức mạnh nào để đương đầu?
Tìm đâu ra một điểm tựa vững bền?

Tựa vào tiền của ư? Tiền của không mua được sức khoẻ và sự sống. Những tỷ phú giàu nhất thế giới cũng không thoát khỏi bệnh tật, tai ương và chết chóc.

Tựa vào địa vị, chức quyền ư? Những tổng thống, vua chúa quyền lực nhất thế gian cũng chỉ được ngồi trên ngai trong thời hạn ngắn rồi bị truất phế và tất cả không trừ ai đã vùi thây dưới mộ.
Tựa vào khoa học kỹ thuật tiên tiến ư? Nền kinh tế lớn mạnh và trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến của Nhật cũng không cứu được dân tộc Nhật Bản khỏi đại họa sóng thần khủng khiếp tàn phá Nhật Bản vào ngày 11 tháng 3 năm 2011.

Mọi thứ đều bấp bênh

Hành trình của con người trên dương gian không khác chi hành trình của Phê-rô trên mặt nước; nhìn trước, nhìn sau, nhìn lui, nhìn tới, mọi thứ đều chao đảo, tất cả đều bấp bênh, chẳng có gì vững bền. "Ôi nhân sinh là thế: như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao" (Nguyễn Công Trứ)

Biết nương tựa vào đâu?

Con người không thể dựa vào người khác vì tất cả những người khác cũng đang ở trong tư thế bấp bênh, chao đảo như mình. Một chiếc tàu sắp đắm không thể cứu vớt chiếc tàu khác cũng đang chìm đắm như mình.

Cần phải có một "quyền lực" nào đó ở bên trên, ở một bờ bến vững vàng, mới có thể cứu vớt những ai đang chìm đắm trong biển đời chao đảo.
Hãy nắm lấy bàn tay Chúa Giê-su

Duy chỉ có bàn tay Chúa Giê-su mới có đủ quyền năng cứu vớt mọi người trên dương thế và bàn tay ấy luôn đưa tay ra để nâng đỡ, dìu dắt, cứu vớt bao người.

Bàn tay Chúa Giê-su đã đẩy lùi bệnh tật ra khỏi kiếp người: chạm đến những người phong hủi khiến những người nầy được sạch (Mt 8,3); đặt lên "những người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn và họ được chữa lành" (Lc 4, 40)

Bàn tay Chúa Giê-su trả lại ánh sáng cho người mù tối: chạm đến mắt người mù khiến y được sáng. (Mt 9,29. 20, 34))

Bàn tay Chúa Giê-su đã lôi kéo con người ra khỏi cõi chết: nắm lấy bàn tay bé gái đã chết và trả lại sự sống cho em. (Mt 9,24)

Và cũng chính bàn tay ấy đã đưa ra nắm lấy tay Phê-rô đang chới với giữa sóng gió hãi hùng, kéo ông khỏi bị chìm đắm và đưa ông vào trong lòng thuyền bình an vô sự. (Mt 14, 31)

 ♦♦♦

Lạy Chúa Giê-su,

Chỉ có Chúa và duy chỉ có một mình Chúa mới là điểm tựa duy nhất cho nhân loại đang chơi vơi, chao đảo giữa biển đời tăm tối hãi hùng.

Xin soi sáng cho nhân loại hôm nay khám phá ra bàn tay đầy quyền năng của Thiên Chúa Tình Yêu đang luôn vươn ra để che chở và cứu vớt mọi người.

Xin cho chúng con được trở thành bàn tay nối dài của Chúa, sẵn sàng đưa ra nắm lấy những bàn tay khác đang gặp sóng gió gian nan.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Nguồn : CongGiaoVietNam