Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

BÌNH AN ĐÍCH THỰC

Ba cuộc gọi nhỡ. Giọng em bên kia đầu dây đầy lo lắng hốt hoảng. Mẹ em bị đột quỵ đang được bác sĩ theo dõi trong phòng cấp cứu. Em mất bình an.

Chị nhắn tin xin cầu nguyện đặc biệt cho gia đình. Năm năm chung sống. Chồng chị say nắng nhân viên kế toán. Gia đình nguội lạnh, căng thẳng. Chị mất bình an.

Xung đột ngày càng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hiệp định đình chiến 1953 bị vô hiệu hóa. Tình hình đang vượt tầm kiểm soát có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Hòa bình đang rất mong manh.

Hòa bình, thế giới chờ đợi, vạn quốc cầu xin. Triệu triệu con người mong ước hòa bình, vạn vạn con tim tìm kiếm bình an.

Các cuộc diễn hành vì sự an nguy của quốc gia và nhân loại đây đó vẫn diễn ra hằng ngày. Các giờ cầu nguyện cho bình an của cá nhân hay tập thể không giấy bút nào thuật lại cho đủ. Thế nhưng phải nhìn nhận rằng con đường dẫn đến hòa bình vẫn còn xa xăm mờ mịt và dường như bất khả thi đối với nỗ lực của con người.

Nhân loại vẫn chẳng có được một ngày bình yên vì chiến tranh, khủng bố, bạo lực, đói kém và bệnh tật. Tâm hồn con người bị xâu xé trong sự bủa vây của hoang mang, lo lắng, sợ hãi, thất vọng và đau khổ.

♦♦♦

Sống trong trạng thái bất an ấy, con người mới nhận thấy lời Đức Giêsu nói với chúng ta hơn hai ngàn năm trước đây thật đáng phải suy nghĩ: Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”(Ga 14,27).

Hòa bình của thế giới thường gắn liền với một hiệp ước đạt được do sự thỏa thuận, thương lượng hay điều đình của hai hay nhiều quốc gia, sắc tộc. Tuy thế, mảnh giấy ấy không thể đảm bảo chấm dứt hoàn toàn và mãi mãi những căng thẳng hay xung đột.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn “Reconciliation and Penance” đặc biệt nhấn mạnh đến “tội xã hội” (social sins) mà nguyên nhân và hậu quả bắt nguồn từ sự tích lũy “tội cá nhân”. Chiến tranh trước hết xảy đến từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Và rồi chính sự bất an đó diễn tả đầy đủ bởi xung đột, bạo lực cá nhân và đi xa hơn nữa là những quyết định đẫm máu của cả một dân tộc.

Đối với thế gian, muốn có hòa bình thì phải giải quyết bằng chiến tranh và bạo lực. Sức mạnh của nắm đấm, của vũ khí, của quân sự giúp làm lắng dịu những xung đột mà người ta lại ngộ nhận cho đó là hòa bình.

Đối với thế gian, muốn có bình an thì phải giải quyết bằng cách tìm sự khỏa lấp giả tạo qua các hoạt động. Sức mạnh của các phương tiện giải trí, của ồn ào náo động, của tất bật bận rộn giúp làm lắng dịu những sự bất an lo lắng tận căn mà người ta lại ngộ nhận cho rằng họ đang bình an thư thái.

Hòa bình của Đức Giêsu hoàn toàn khác biệt với hòa bình của thế gian. Thế gian lấy những gì thuộc về thế gian để trao tặng cho nhau. Trái lại, Đức Kitô Phục Sinh đã lấy hòa bình thiên giới mà trao tặng cho nhân loại mà các Tông Đồ là những người đầu tiên nhận lãnh.

Bình an thiên giới là quà tặng. Bình an thiên giới không do sức mạnh nội tại của con người, cũng chẳng thể thủ đắc hay mua bán bởi sức mạnh vũ khí và quân sự.

Thiên Chúa đã trao ban cách nhưng không sự bình an của Người cho con người. Chính Đức Kitô là bình an. Và bởi thế, bình an mà Đức Kitô trao ban là sự bình an có Chúa luôn ở cùng. Người nào đón nhận Thiên Chúa vào tâm hồn mình thì người ấy có bình an và thanh thản. 

♦♦♦

Bình an mà Đức Kitô mang đến cũng phải trả bằng một giá đắt đỏ.
Bình an đó đòi hỏi sự chiến đấu trong chính bản thân mỗi người để chấp nhận loại trừ những gốc rễ của hiềm khích, ganh ghét, hận thù, tham lam, ích kỷ... để sống trong ân huệ của Thần Khí là hoan lạc, từ tâm, hiền hòa, nhẫn nhục, trung tín, tiết độ.

Bình an đó đòi hỏi chấp nhận mất mát thiệt thòi, có khi cả hy sinh nhưng là hy sinh mạng sống mình để người khác được sống.

Bình an đó phải đánh đổi bằng cách dẹp trừ các ý muốn cá nhân trần tục để tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Một khi con người chấp nhận mở ngỏ cho Thiên Chúa bước vào cuộc đời mình thì cũng đồng thời họ phải chấp nhận bước ra khỏi cái bản ngã giới hạn, hẹp hòi của chính mình.

Thanh An




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét