Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

NHỮNG DIỀU CẦN BIẾT KHI ĐỌC THÁNH THƯ

HỘI ĐỒNG MỤC VỤ
       GX Đa Minh

/}/ GÀY  20    THÁNG   10  NĂM 2013

Kính gởi: Quý Ông Bà Trưởng ban điều hành
Các Ca đoàn-Hội đoàn trong giáo xứ

Trích yếu: V/v Lựa chọn  người đọc sách Thánh trong Thánh lễ.

CÁCH THỨC THI HÀNH CÁC THỪA TÁC VỤ

             Mỗi thừa tác vụ đều có những cách thức thi hành riêng  theo khả năng , sở thích và ý nguyện của người đảm trách, để đem lại hiệu quả tốt nhất...Dưới đây, chỉ xin nêu những cách thức về  tác vụ  đọc sách thánh  trong Thánh Lễ:
Đọc Sách Thánh hay Công Bố Lời Chúa

1- Về giọng đoc: Giọng nói, giọng đọc mang một tầm mức hết sức quan trọng, cần được tuyển lựa theo năng khiếu và tập luyện theo nghệ thuật. 

2 - Về Cách đọc: Không phải như đọc sách báo, đọc Sách Thánh là cả một nghệ thuật và phải theo những nguyên tắc ,( xin trình bày ở phần dưới đây...) Nhưng trước hết, chúng ta thử điểm qua hiện trạng xem sao đã: Có vị đọc quá nhanh ra vẻ như mình thông thạo chữ nghĩa.  Có vị lại đọc quá chậm đến nỗi nghe rời rạc và ỉu xìu. Có vị cứ đọc xong một câu lại ngẩng đàu lên cứ như thể đọc diễn văn của mình vậy.  Hãy nhớ rằng Sách Thánh là Lời của các Tiên Tri, Lời của chính Chúa. Tín hữu chúng ta chỉ là những công cụ để truyền đạt lại mà thôi; cho nên cứ phải chăm chú và trịnh trọng đọc, đến câu kết ‘’Đó là Lời Chúa’’ thì mới cần và mới phải ngẩng đàu lên hướng về cộng đoàn.
                       a)- Chuẩn Bị: Người phụ trách  Phụng Vụ  của các Hội đoàn cần phải chọn lựa người và có một bảng phân công: Ngày, bài, ai…, và phổ biến trước hàng tháng; để người được phân công chuẩn bị tâm tư, sắp xếp công việc riêng và tập dượt trước ở nhà, theo những Nguyên Tắc và Nghệ Thuật ở dưới đây...
             -Phải đến nhà thờ sớm hơn thường lệ, và đọc qua Sách Bài Đọc và nhận thức rõ mọi ý tưởng trong bài đọc đó, mới mong diễn tả với tất cả tâm hồn. Không đọc ‘’Bài đọc I hay Bài đọc II’’ cũng không đọc ‘’câu đại ý in nghiêng ‘’ mà đọc ngay câu in đứng chữ đậm ‘’ Bài trích...’’ hay ‘’Lời Chúa trong Sách...’’
               -Cả hai người đọc bài, cần đi sớm, vào Phòng thánh coi trước các bài sẽ đọc, hỏi và thỏa thuận với ca đoàn hôm đó để biết dứt khoát “Bài Đáp Ca” sẽ đọc hay hát và hát mấy lần, để liệu mà đọc, hát hay không, và để định lúc mà lên, xuống cho thích hợp. 
               -Lại để ý đến đặc tính kỹ thuật của máy khuyếch đại âm thanh nơi đó, liệu chừng mà kéo micro lại gần hay đẩy ra xa, lên cao hay xuống thấp sao cho vừa tầm và thích hợp với giọng đọc của mình. Thường chỉ cần để ý xem những người đã sử dụng trước cũng đủ biết rồi.
           b)- Nguyên Tắc: Đặc biệt với những ai mới đảm trách, cần tập luyện kỹ càng và chuẩn bị chu đáo như trên, và áp dụng chặt chẽ những nguyên tắc sau :
                   - Mặc áo thừa tác đọc sách, thứ tụ sau lễ sinh tại phỏng áo…ngồi ghế dành riêng ở hàng ghế đầu. Nếu có điện thoại cầm tay, nhất thiết phải tắt máy đi. Theo dõi sát Thánh Lễ để tiến lên bục sách đúng lúc  cần thiết, không quá sớm, nhất là không quá trễ. 
                   - Khi cha chủ tế đọc được nửa lời nguyện đầu lễ thì phải bước khỏi ghế, tiến đến vị trí giữa ở dưới bậc cung thánh, cúi sâu ( chứ không phải gật đầu) chào Bàn Thánh và tiến lên bục. (Nhớ rằng trong Mùa Chay thì không có hát Kinh Vinh Danh).
                 -Trên bục sách, trong khoảng 6 giây đầu, cần  làm 3 động tác sau : nhìn hay dở sách cho đúng bài, điều chỉnh micro cho vừa tầm mình và đảo mắt bao quát trong thánh đường ( để biểu lộ tư thế vững vàng và có ý như nhắc nhở cả  cộng đoàn hãy sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa).

               - Sau bài 1 với cả câu kết ‘’Đó là Lời Chúa’’, đứng thinh lặng giây lát,chờ cộng đoàn đáp “ Tạ ơn Chúa” xong, người đọc mới rời bục đi xuống bậc cung thánh, cúi chào bàn thờ và trở về chỗ ngồi      

               -Với người đọc bài 2, thì phải biết trước bài đáp ca hôm đó gồm có mấy câu đọc hay câu hát, để tới câu cuối thì đã cúi chào và lên bục, đọc bài 2  với cả câu kết ‘’Đó là Lời Chúa’’, đứng thinh lặng giây lát chờ cộng đoàn đáp “ Tạ ơn Chúa” xong, người đọc mới rời bục đi xuống bậc cung thánh,  cùng với người đọc bài 1 cúi chào bàn thờ và trở vào  phòng áo.       
Trong Mùa Chay không đọc hay hát câu Alleluia, cho nên người đọc bài 2 sau khi dứt bài, sẽ giữ thinh lặng vài giây, rồi nâng nhẹ hai tay có ý mời cộng đoàn đứng, sau đó tự  động đọc hay hát câu tung hô. Rồi rời bục.

           -Thánh lễ 05g 45 ngày thường chỉ có một bài thánh thư, nên chỉ cần 1 người đọc.  Do đó, người đọc sẽ đảm trách đọc tất cả: bài đọc, đáp ca và câu tung hô.  Riêng đáp ca, phải đọc câu đáp trước một cách chậm dải và rõ ràng, rồi lại đáp với cộng đoàn câu đó lần nữa.  Nếu câu đáp đó dài quá thì khi cộng đoàn đáp lần đầu, người đọc cũng cần cùng đáp theo cách nhẹ nhàng, rồi những câu sau thì thôi.
              -Nếu câu kết  ‘’ Đó là Lời Chúa’’ sẽ hát chứ không đọc , thì người đọc cần phải tập cho thành thạo trước, kể cả nghe quen cung đàn dạo, để bắt cho thật đúng, còn hát hay chỉ là thứ yếu.
            c) - Nghệ Thuật: Kể từ giai đoạn chuẩn bị đến khi thi hành, cần triệt để áp dụng nghệ thuật đọc như sau:
             - Giữ tư thế đứng nghiêm và ngay ngắn.      
             - Phong thái phải chăm chú và trịnh trọng.
             - Đặt hai tay lên Sách Bài Đọc.
             - Giọng phải rõ ràng, trôi chẩy, tự nhiên và khoẻ mạnh từ đầu chí cuối, chứ đừng đầu thì mạnh cuối lại đuối dần đi.
             - Không sửa giọng cho cầu kỳ, tránh gằn giọng để nhấn mạnh như một bài phát biểu; cũng đừng thêm bất cứ một điệu bộ đầu hay tay nào, theo các ý tưởng trong bài.
            -Không nên ngẩng đầu lên sau mỗi câu, theo kiểu đọc diễn văn của mình, mà cần chăm chú đọc, vì đây là Lời Các Tiên Tri, Lời Chúa.
            -Riêng về điểm này, sau khi ngẩng đầu lên rồi lại nhìn xuống thì có thể quên mất chỗ nào để đọc tiếp.  Do đó, đọc tới đâu thì đặt ngón tay trỏ phải vào chỗ đó.  Nhưng nếu đã tập trước đến nỗi có thể gần thuộc cả bài rồi thì không sợ quên .
            -Một điểm nữa cần lưu ý là khi gặp một bài còn nối tiếp sang trang sau thì phải liệu ngón tay trước hay gấp sẵn góc trang đó để lật và đọc cho liên tục, chứ đừng nhấp nước bọt vừa không kịp lại mất vẻ đẹp đi.
            - Phải rất cẩn thận và luôn khiêm nhường ở trong lòng, nếu không thì sẽ dễ trở nên tự mãn, chủ quan và dẫn tới  những sai lầm, lố lăng...
            -Khi lỡ đọc sai chỗ nào, thì bắt buộc phải đọc lại cho đúng;thà chịu mang tiếng là đọc dở còn hơn là bị vấp phạm!
           - Phát âm giọng tiếng Việt cho thật chuẩn xác. Ngoại trừ giọng Trung và Nam thuần tuý; còn đã là giọng Bắc thì đừng đọc “Thánh” thành ra ‘’Thắn’’, Dân Chúa mà đọc thành “Dâng Chúa”, Anh em mà lại ‘’Ăn em’’, Lễ Lá thì cứ ‘’Nễ Ná’’v.v. và v.v...Phát âm như thế sẽ làm giảm tác dụng của Sách Thánh đi.
        - Hãy phân biệt rõ hai từ ngữ Người (in hoa) và người (in thường).‘’Người’’ là nhân vật đại từ thứ ba để nói tới, chỉ về Thiên Chúa, còn ‘’ người’’ là nhân vật đại từ thứ hai để nói với, chỉ về nhân loại.  Đọc sai Người và người là đảo nghĩa hoàn toàn!!
      - Phải lưu ý đến những dấu Chấm và Phẩy mà ngừng cho đúng, để lời và ý của bản văn được mạch lạc rõ ràng, đồng thời cũng để lấy hơi cho giọng đọc được liên tục và trôi chảy. Không ngừng nghỉ theo đúng các dấu chấm phẩy, người đọc có thể làm cho câu văn trở thành vô nghĩa, thậm chí còn phản nghĩa nữa. Ví dụ về một câu nguyên văn rằng: ’’Xin cho chúng con được nên một, khi chúng con cùng rước Thánh Thể Chúa vào lòng’’. Nếu ngắt câu sau dấu phẩy ở kế động từ ‘’nên một’’, thì mới có nghĩa là ‘’hiệp nhất’’. Nếu đọc liền một hơi, thì cả câu trên chẳng có nghĩa gì hết!
     - Hãy suy niệm thấu đáo trước bài Thánh Kinh, để đọc với tất cả tâm hồn, thì sẽ tổng hợp được mọi nghệ thuật trên, và tác động được người nghe.
    -Cuối bài, cúi vài giây như để Lời Chúa thấm, rồi mới ngẩng lên đọc dõng dạc: ‘’Đó là Lời Chúa!’’. Khi cộng đoàn đáp ‘’Tạ ơn Chúa’’ xong, thì bước lui 1 bước, đi xuống bậc cung thánh, cúi chào bàn thờ và trở về chỗ.  

ĐỀ NGHỊ
           Để giải quyết, để tránh khỏi những hiện trạng trên, cố nhiên có nhiều đường lối.  Sau đây, xin được nêu lên một số giải pháp đề nghị :   
-Tuyển chọn: Mọi tín hữu sống đạo và hành đạo đều có hiệu quả tương đương nhau.  Nhưng không phải ai cũng có thể đảm trách vai trò thừa tác viên một cách trọn vẹn cả.  Do đó, cần phải có việc trắc nghiệm, nhận xét để tuyển chọn theo khả năng, vóc dáng và tính tình để làm việc cho được tốt đẹp.
-Người đọc Sách Thánh phải là người đã “lãnh bí tích rửa tội”, có sức khỏe, có trình độ văn hóa phổ thông, nhất là có giọng đọc tiêu chuẩn.

 Người đọc Lời Nguyện Giáo Dân

   Người đọc Lời Nguyện Giáo Dân,  khi cộng đoàn đọc hay hát Kinh Tin Kính tới câu cuối, là lúc phải tiến lên (đem theo lời nguyện). Giọng đọc lời nguyện phải thiết tha, khẩn khoản. Khi đọc cần chăm chú nhìn vào bản văn, không nên ngẩng đầu lên, chỉ mỗi lần tới câu ‘’Chúng con cầu xin Chúa’’ thì mới ngẩng đầu lên , nhưng không phải là nhìn cộng đoàn mà như nhìn lên Chúa vậy. Trong những dịp Lễ Trọng, thì nên  hát câu này cho bầu khí linh động hơn.
 Đọc xong những lời nguyện đã soạn sẵn, chủ tế có thể thêm lời nguyện nào đó nữa, rồi ngài mới đọc lời kết, thì người đọc vẫn phải đứng yên ở đó cho tới khi hết mọi lời của chủ tế , công đoàn đáp Amen xong mới về chỗ.
 KẾT  LUẬN
Vấn  đề Thừa Tác Vụ và Thừa Tác Viên được trình bầy như trên đây, có thể còn nhiều nhận định sâu sắc hơn, những đề nghị giá trị hơn.  Tuy nhiên, theo nhận xét khách quan cùng với kinh nghiệm chủ quan,
Mong sao các vị có trách nhiệm quan tâm hơn và chấn chỉnh lại, ngõ hầu Việc Thờ Phượng Chúa, nhất là qua Thánh Lễ, được cử hành một cách tôn kính và trang nghiêm, đúng với nghi thức và tinh thần Phụng Vụ Thánh của Giáo Hội.

Hội đồng mục vụ GX Đa Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét