Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

GHEN TỴ

Ganh tỵ


 
 
“Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (Lc 10:40).
 
Cuộc sống luôn cần phải tự vươn lên để càng ngày càng khá hơn, dù đời thường hoặc đời sống tâm linh. Và dù mặc nhiên hoặc minh nhiên, cuộc đời vẫn luôn có những “cuộc thi”, đa dạng và với nhiều mức độ khác nhau. Nhưng thi đua hoặc ganh đua thì tốt, nhưng nếu ganh tỵ, ghen tỵ hoặc đố kỵ thì thật nguy hiểm! Cổ nhân có câu: “Tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính”. Ngay cả cơn giận cũng có thể khiến người ta hành động bất chính!
 
Ghen thường đi liền với ghét. Vì “ghen” mà “tức”, rồi “ghét” người khác. Đó là một trạng thái tâm lý của con người phản ánh những suy nghĩ tiêu cực được biểu hiện bằng cảm giác bất an, sợ hãi, lo lắng về một sự mất mát hoặc thua kém nào đó. Trong đó, cảm xúc chủ yếu là sự ganh tỵ (đố kỵ) vì cảm thấy thua kém người khác về kết quả, thành tích, hoạt động, hạnh phúc, thành công,… của mình so với người khác, do đó mà cảm thấy không vui, ấm ức, hậm hực, khó chịu, tức tối, bực bội, bất mãn,... Trong tình yêu, hôn nhân và gia đình thì trạng thái này gọi là ghen tuông (có người gọi là ghen tương).
 
Ghen tuông là một trạng thái tâm lý phổ quát trong mọi nền văn hóa biểu hiện qua những mối quan hệ xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa. Nguyên nhân chung vì thiếu tự tin nên có phản ứng phòng vệ, muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của mình nhưng lại vẫn có cảm giác lo sợ, đầy ích kỷ và hóa mù quáng.
 
Ghen là do yêu chính bản thân mình chứ không yêu người khác. Ghen cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại thể bệnh như bệnh tim, tiểu đường, cao huyết áp, ung nhọt,… Thể bệnh và tâm bệnh đều có liên quan với nhau, bị cái này cũng kéo theo cái kia. Ngoài ra nó còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều nghịch cảnh, oái ăm, gây tan vỡ trong tình yêu, hôn nhân và gia đình, thậm chí còn dẫn đến những kết quả thảm khốc, sát nhân. Tội lại chồng lên tội!
 
Trong tiếng Việt, ghen còn có các thuật ngữ thông dụng tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà có những từ ngữ khác nhau. Trong tình yêu, quan hệ vợ chồng thì có ghen tuông, nói văn vẻ là “nổi máu Hoạn Thư”, nổi cơn ghen hoặc nổi máu ghen thì có thể dẫn tới đánh ghen. Đúng là “tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính”! Trong các mối quan hệ khác, người ta dùng các từ ngữ như ghen tỵ, ganh tỵ, ghen ghét, ghen tức, ghen ăn tức ở, so kè, đố kỵ, tỵ nạnh, hiềm tỵ,...
 
Nói chung, con người với nhau cũng có lòng ghen tỵ về một hoặc nhiều lĩnh vực nào đó. Khi đó, người ta sẽ tự hành hạ và tự làm khổ mình, giống như có con rắn độc trong lòng, nó không bao giờ chịu “nằm yên” để tận hưởng cuộc sống. Lòng ghen tỵ là một đức tính rất xấu, nó khiến người ta không thể tiến bộ, không thể thanh thản.
 
Lòng ganh tỵ có sức công phá cực mạnh, làm xói mòn mọi mối quan hệ. Người ganh tỵ luôn cảm thấy ghen ghét tất cả với những ai xinh đẹp hơn, giỏi giang hơn, tài ba hơn, giàu có hơn, được người khác quý mến hơn,… Vì thế họ luôn bất an, cảm thấy khổ sở vì xung quanh có những người hơn họ, về phương diện này hoặc phương diện nọ. Họ luôn muốn mình hơn người khác không bằng cách tự vươn lên mà chỉ tìm cách “đè bẹp” người khác, sẵn sàng dùng thủ đoạn để kéo người khác xuống, lòng họ chứa đầy những ý đồ đen tối, có dịp là họ buông lời gièm pha, không ngần ngại “ngậm máu phun người” – dù có thể họ vẫn biết rằng “hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu”.
 
Làm quân tử hoặc sống cao thượng không dễ chút nào. Muốn làm quân tử phải biết Tu Thân (sửa mình), Tu Tánh (sửa tính nết), Tu Hạnh (sửa cho có nhân đức), Tu Ngôn (sửa lời nói). Quân tử phải cao thượng, vừa khiêm nhường vừa tha thứ. Quân tử trái ngược với tiểu nhân: QUÂN TỬ DỤ Ư NGHĨA, TIỂU NHÂN DỤ Ư LỢI – nghĩa là “quân tử hiểu rõ cái nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ cái lợi”; QUÂN TỬ CẦU CHƯ KỶ, TIỂU NHÂN CẦU CHƯ NHÂN – nghĩa là “quân tử cầu ở mình, tiểu nhân cầu ở người”.
 
Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Đấng trượng phu đừng thù mới đáng, đấng anh hùng đừng oán mới hay”. Danh nhân W. Goethe nghiêm túc nhận định: “Ai thẳng thắn với bản thân và thẳng thắn với người khác thì bao giờ cũng có phẩm chất vô cùng quý báu của những tài năng vĩ đại”.
 
Trình thuật Lc 10:28-42 kể rằng, khi Đức Giêsu và các đệ tử vào một làng kia thì có một phụ nữ tên là Mác-ta đon đả đón chào và mời Thầy trò cùng ghé vào tệ xá của mình. Mác-ta có người em gái tên là Maria. Cô em điềm tĩnh và trầm lặng, chỉ thích ngồi nghe Chúa nói chuyện đời và những lời hay ý đẹp. Chắc hẳn Chúa Giêsu nói chuyện vừa hay vừa có duyên, chẳng thế mà cả chục ngàn người nghe Ngài giảng dạy đến quên cả đói bụng, quên cả trời tối (x. Mt 14:13-21; Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; Ga 6:1-14). Còn Mác-ta thì lăng xăng và tất bật cơm bưng nước rót. Cô chị thấy em gái “vô tư” quá, mà cả Chúa Giêsu cũng “vô tâm” luôn, còn mình thì không ngơi tay, lặt rau chưa xong mà nước đã sôi, tối cả mặt mày, thế nên cô chị ấm ức nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (Lc 10:40). Có thể giọng nói của Mác-ta lúc đó không “êm tai” lắm đâu. Đó chính là một dạng ganh tỵ!
 
Chúa Giêsu không quở trách Mác-ta mà Ngài chỉ ôn tồn: “Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10:41-42). Lời Ngài nhẹ nhàng mà có thể gây đau điếng!
 
Cuộc đời cũng cần những người chu đáo và hoạt bát như Mác-ta. Nhưng vấn đề là “đừng nhiều chuyện”, như Chúa Giêsu đã nhắc nhở Mác-ta. Nội tại luôn quan trọng hơn ngoại tại. Chú trọng bề ngoài là chứng tỏ nội tâm nông cạn. Chỉ vì cảm thấy nội tâm nông cạn mà người ta muốn dùng ngoại tại để khỏa lấp khoảng trống nội tại. Từ đó, lòng ghen tỵ có thể dễ dàng nổi lên!
 
Trong truyện “Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn”, mụ phù thủy chỉ vì ghen tỵ về sắc đẹp mà mụ tìm cách hại nàng Bạch Tuyết. Trong truyện Tấm Cám, mẹ con Cám chỉ vì ghen tức mà hại nàng Tấm đủ cách. Tranh dân gian Đông Hồ cũng có tranh vẽ cảnh đánh ghen.
 
Vì ghen tỵ mà những người anh đã bán Giuse cho dân lái buôn Ma-đi-an (St 37:12-36), cũng vì ghen tỵ mà Ca-in giết em ruột A-ben (St 4:8).
 
Quả thật, lòng ghen ghét vô cùng nguy hiểm!
 
Domine, noverim Te, noverim me – Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con, để con yêu mến Ngài, không đề cao mình, và không ganh tỵ với bất kỳ ai. Con cảm tạ Chúa đã thức tỉnh con qua động thái của Thánh Mác-ta. Con chân thành xin lỗi Chúa. Amen.
 
 
[TRẦM THIÊN THU]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét